Có 2 tòa nhà nguy hiểm ở mức độ cao nhất (cấp độ D) trong bản danh sách 42 nhà chung cư cũ đang xuống cấp nghiêm trọng và rơi vào trạng thái nguy hiểm trên địa bàn Thủ đô, là nhà A Ngọc Khánh (đơn nguyên 1) và nhà G6A Thành Công (đơn nguyên 2). Số chung cư cũ còn lại chủ yếu rơi vào cấp độ C và nằm trên địa bàn các quận Đống Đa, Ba Đình, Hoàn Kiếm, Thanh Xuân và huyện Đông Anh.
Đối với 2 nhà chung cư phải di dân gấp, chính quyền Hà Nội chỉ đạo các chủ sở hữu sử dụng căn hộ phải chủ động tháo dỡ những phần cơi nới trái phép. Các đơn vị liên quan phải lắp đặt rào chắn, biển báo, chống đỡ những kết cấu nguy hiểm và xây dựng phương án đề phòng trường hợp khẩn cấp. Quận Ba Đình phải tổ chức khảo sát và lập phương án di dân, bố trí tạm cư gửi Sở Xây dựng trình UBND Tp Hà Nội quyết định.
Nghị định 101/2015/NĐ-CP về cải tạo xây dựng lại nhà chung cư nêu rõ, trường hợp nhà chung cư nguy hiểm thì sau thời hạn tối đa 03 tháng kể từ ngày UBND cấp tỉnh tổ chức di dời khẩn cấp để phá dỡ, các chủ sở hữu không thực hiện việc lựa chọn doanh nghiệp kinh doanh bất động sản làm chủ đầu tư dự án thì UBND cấp tỉnh có trách nhiệm tổ chức thực hiện việc đầu tư cải tạo xây dựng lại nhà chung cư theo hình thức quy định tại Khoản 2 Điều 113 của Luật Nhà ở. Theo đó, 2 nhà chung cư cũ này sẽ 'lột xác' ngay trong năm 2016.
Trên địa bàn Thủ đô Hà Nội hiện có 42 nhà chung cư cũ xuống cấp nghiêm trọng.
Qua tìm hiểu tại một số văn phòng nhà đất trung tâm, hiện lượng nhu cầu tìm thuê nhà tập thể cũ chuyển biến theo hướng tinh lọc. Một môi giới nhà đất khu vực Trung Hòa cho biết: “Hầu hết đơn hàng đều được khách hàng bổ sung thêm yêu cầu loại trừ 2 nhà tập thể phải di dời gấp. Trong khi đó, những căn tập thể cũ trong diện nguy hiểm song chưa phải di dời thì chấp nhận trong trường hợp không còn sự lựa chọn nào khác”.
Đây chính là yếu tố thuận lợi giúp môi giới gián tiếp 'ép' khách cả về giá thuê lẫn thời gian ký hợp đồng. Theo một môi giới chuyên mảng cho thuê chung cư: “Nhiều người cho rằng, khi công bố danh sách chung cư cũ nguy hiểm trên thông tin đại chúng sẽ khiến phân khúc này bị dừng lại. Tuy nhiên, 2 ngày qua tôi đã chốt được 2 hợp đồng thuê 6 tháng ở một trong các tòa nhà đó”.
Chị Huê, khách hàng vừa quyết định thuê ở tập thể quận Thanh Xuân (4 tầng) chia sẻ, chỉ loại trừ các chung cư tập thể cũ bị yêu cầu di dời ngay, những chung cư cũ (thuộc dạng nguy hiểm) trong danh sách thì vẫn lựa chọn bởi giá rẻ (3-5 triệu đồng/tháng), tọa lạc khu trung tâm đúng nghĩa. TP Hà Nội có cả nghìn khu tập thể cũ nên lựa chọn rất thoải mái. Xét nguy hiểm về an toàn phòng cháy chữa cháy, bong tróc, nứt lún, xuống cấp nhanh thì các chung cư ở Hà Nội đều như nhau dù tuổi đời mới xây vài năm hay tới hàng chục năm.
'Đất vàng' tại Nghĩa Tân, Cầu Giấy, khu vực không được nêu tên trong danh sách các chung cư cũ gặp nguy hiểm, hiện giá bán lẫn giá thuê các căn tập thể cũ nơi đây đang nhích lên từng ngày.
Căn tập thể tầng 3, rộng 40m2 với diện tích sử dụng gần 50m2 được 'quát' giá xấp xỉ 3 tỷ đồng và tiền thuê là 7 triệu đồng/tháng (không đồ nội thất).
“Hiện tại, các khu tập thể giữa trung tâm Hà Nội, vị trí đắc địa, đầy đủ tiện ích và chất lượng đảm bảo như tại Nghĩa Tân hiếm lắm. Tháng 12 năm ngoái, có người còn ra giá 2,8 tỷ đồng mà gia chủ vẫn lắc đầu chê rẻ. Thuê thì phải nhanh lên vì khách vào hỏi liên tục đấy..”, môi giới lý giải.
Khu tập thể điện ảnh ở ngõ 44 Vũ Trọng Phụng, Thanh Xuân từng chứng kiến 'ác mộng' mỗi mùa mưa với thảm cảnh nước mưa kèm rác thải tự do tràn vào tầng một. Thế nên, giá những căn tầng 1 nơi đây thuộc hàng rẻ nhất trong số sản phẩm cùng loại. Những căn sổ đỏ diện tích dưới 40m2 (diện tích sử dụng 45m2) chỉ có giá 1,2 tỷ đồng. Căn hộ này đã có chủ mới và đang được rao thuê với giá 4 triệu đồng/tháng. Một số người dân sở tại cho biết, với lý do chưa bị liệt vào danh sách đen nên nhiều gia chủ đang 'hét' giá cao với người mua.
Ý kiến bạn đọc
DỊCH VỤ NHÀ ĐẤT
Liên hệ: 0939666635